1
Tư Vấn Du Lịch Dành Cho Bạn

Chùa Yên Tử - Hành trình về đất Phật

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

        Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của vùng đông bắc, khu di tích danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ cùng với cảnh vật thiên nhiên nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử. Vốn là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh “Đất Tổ Phật giáo Việt Nam”. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân Sơn. Vẻ đẹp của núi Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoàn với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp, cùng với đường tùng, thông, đại, trúc mọc ở hai bên đường rất ngoạn mục và nhờ đó Yên Tử được liệt vào “Danh sơn đất Việt”. Cũng chính tại mảnh đất này, 700 năm trước, sau chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, vị vua anh hùng Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con để lên Yên Tử tu hành, nghiên cứu giáo lý nhà Phật gắn kết với triết lý nhân sinh dân tộc để hình thành và sáng lập lên Thiền Phái Trúc Lâm. Với tư tưởng nhập thế tu tại tâm mà ở đó đạo không tách biệt với đời, đạo phải thể hiện ngay trong cuộc sống. Có thể nói dòng thiền là sự hòa hợp tuyệt vời giữa tinh thần  dân tộc và tôn giáo, giữa tư tưởng và đạo đức, giữa đạo và đời.

Chùa Yên Tử

     

  Điểm xuất phát trong hành trình của chúng ta bắt đầu từ ngôi chùa Long Động, tên thường gọi là chùa Lân, nơi đây gắn liền với một truyền thuyết, khi nhà vua trên đường vào Yên Tử dừng chân nghỉ đêm tại đây, ngài nằm mộng thấy mình cưỡi rồng vàng bay vào động, trong động lại có một hồ nước trong xanh nở đầy hoa sen vàng với hương thơm ngào ngạt vì vậy đây được xem là nơi rồng ở, ngôi chùa trên mảnh đất này được mang tên là Long Động Tự. Chùa Lân là địa điểm vua Trần Nhân Tông đã từng dừng chân khi lên Yên Tử tu hành năm Kỷ Hợi 1293, ngài đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang, lộng lẫy, chùa Lân trở thành viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ tăng. Hiện tại ở chùa Lân có một số hiện vật quý và độc đáo, trong tòa chính điện có tượng đồng Thích Ca Mâu Ni nặng gần 4 tấn, là pho tượng đồng lớn nhất tại Yên Tử hiện nay. Bài trí trong chùa đơn giản, khoáng đạt, dùng ngay chữ quốc ngữ trên các hoành phi câu đối.

        Yên Tử là một quần thể di tích có nhiều chùa, tháp, am. Tiếng tụng kinh gõ mõ và chuông chùa khiến tâm hồn thư thái, hết mỏi mệt. Chùa Hoa Yên, am Ngọa Vân, chùa Một Mái, Bảo Sái, Vân Tiên là những dấu mốc quan trọng đánh dấu một phần thành công của du khách thập phương trong hành trình lên đến đỉnh núi cao 1068m. Hành hương Yên Tử sẽ là một cuộc leo núi đầy thú vị, tuy nhiên các bạn sẽ có cảm giác khác hơn nữa nếu một nửa hành trình được đi bằng phương tiện cáp treo để chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Yên Tử từ trên cao. Vào năm 2002, tuyến cáp treo đầu tiên tại Yên Tử đã được hoàn thành và đưa du khách từ độ cao khoảng 50m lên đến độ cao 450m so với mặt nước biển.

        Trước đây, thời gian đi bộ trên đoạn đường này mất khoảng hai giờ, thì nay đi bằng cáp treo chỉ mất chừng 10 phút. Từ trên cao du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng núi Yên Tử với những khu rừng nguyên sinh, những cây tùng, cây đại hàng trăm năm tuổi xen lẫn trong những rừng cây xanh tươi và hít thở không khí trong trẻo và lành mát trên cao.

        Ngôi tháp nổi trội nhất trong khu Yên Tử là tháp Tổ, được xây dựng bằng đá 6 tầng, chính giữa là Huệ Quan Kim Tháp tức là Tháp Đức Giác Hoàng trong có tượng đá, trước mặt tháp có cây hương đá, bốn mặt tường quanh tháp xây bằng loại gạch thời Trần, trên đỉnh tường lợp ngói mũi hài kép cũng là sản phẩm của thời Trần. Phia ngoài tường gạch, quây quần rừng tháp 45 ngọn, mỗi ngôi tháp ấy là nơi cất giữ hài cốt của một vị sư tu hành ở đây.

        Tiếp tục đi lên là chùa Hoa Yên, nhìn theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng, đôi mắt rồng ở ngôi tháp Tổ, hai dãy núi Đông Tây vươn về phía Nam ôm lấy con đường hành hương dưới chân núi Giải Oan như đôi cánh tay rồng. Sách xưa ghi lại, chùa Hoa Yên ngoài tiền đường, thượng điện để thờ Phật, tả hữu còn có viện Phù Đồ, lầu Trống, lầu Chuông, nhà dưỡng tăng, nhà khách nghỉ tạo thành một quần thể kiến trúc rộng lớn.

Chùa Đồng - Yên Tử

        Từ chùa Một Mái trở đi, đường lên đỉnh được chia làm hai hướng, một hướng dành cho người lên cáp treo, và hướng còn lại dành cho khách bộ hành. Nơi cáp treo dừng lại cách chùa An Kỳ Sinh một đoạn dốc cao, đây là nơi thờ vị đại phu đầu tiên đặt cái tên An Tử cho ngọn núi có nhiều thứ dược thảo cứu người này. Đỉnh An Kỳ Sinh là một vùng đất bằng phẳng, rộng, ở giữa có bức tượng An Kỳ Sinh. Đi tiếp một đoạn đường, sẽ có những tảng đá lớn chắn giữa đường đi, tuy nhiên nếu chú tâm vào đường đi và tìm hiểu những phiến đá nhỏ thì bạn sẽ dễ dàng lên được trên cao. Một đoạn dốc núi, các phiến đá lớn tạo ra cửa chắn hai bên, nơi đấy được gọi là cổng trời để đi vào thiên đình của tiên giới, cổng còn mang những vết tích từ xa xưa hình thành lên ngọn núi có rất nhiều vỏ sò, vỏ ốc, du khách như thấy mình đứng trên ngọn núi vừa nhô lên khỏi mặt biển. Tọa lạc trên đó có một ngôi chùa cổ kính được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự, ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng lần đầu tiên dưới thời chúa Trịnh với tượng, chuông và đồ thờ bằng đồng, toàn bộ công trình được biến mất vào thế kỷ thứ mườn ba, và được xây lại năm 1930 sau đó trùng tu năm 1993. Ngày 30 tháng 1 năm 2007 chùa Đồng mới được khánh thành khang trang hơn hẳn các phiên bản trước đó, đúc từ gần 70 tấn đồng nguyên chất có diện tích 20 m2 có chiều cao 3,11 m dài 4,96m và rộng 3,96m, chùa mang đậm đặc trưng kiến trúc chùa chiền Việt Nam vùng Bắc Bộ, nhìn từ trên cao có hình đóa xen vàng đang nở. Từ đầu năm 2007 chùa Đồng mới đã được đưa lên đỉnh Yên Tử thờ cúng cho đến nay.

/**/