1
Tư Vấn Du Lịch Dành Cho Bạn

Đền thờ vua Lê Thái Tổ

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

         Đền thờ vua Lê Lợi được xây dựng vào cuối thế kỷ XV, tọa lạc trên một gò đất bằng phẳng, xung quanh là sông nước. Xưa kia, đền có kiến trúc kiểu chữ nhị gồm 3 gian bái đường và 3 gian hậu cung, mái lợp ngói vẩy, có sân đền và cổng, xung quanh có tường bao tạo thành một không gian biệt lập, linh thiêng.

Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ

         Đền quay theo hướng Tây, theo luật phong thuỷ là một hướng ổn định, tiền hậu tả hữu đều cân xứng, nên đã tạo được sự tối linh để con người gửi gắm nỗi lòng. Trước cửa đền còn giữ được cổng ghi môn cổ, trên đề 3 chữ “Tối Linh Từ”. 2 cột trụ có đôi câu đối, tạm dịch là: Đến chiêm bái lời cổ nhân sáng tỏ/ Vào tất rõ đền miếu đẹp hiển nhiên. Qua cổng ghi môn là sân đền có lư hương và bàn thờ thiên, tiếp đến là bậc tam cấp với 2 ông voi chầu 2 bên. Gian bái đường hiện đã được tôn tạo bằng nền gạch đỏ, thuận tiện cho nhân dân đến chiêm bái. Phía trên xà có treo 1 đại tự bằng gỗ, chạm rồng chầu nhật, chữ viết bằng sơn đen ghi 4 chữ: “Thượng đẳng tối linh”, có nghĩa là: Vị thần được thờ ở đây đã được phong là Thượng Đẳng Thần và vị thần này rất linh ứng.

         Tiếp sau khu vực bái đường là hậu cung. Khu vực này rộng khoảng 47m2, chính giữa đặt ban thờ và tượng Lê Thái Tổ. Hai bên là ban thờ và tượng của tướng Lê Lai, Nguyễn Trãi.

         Tại đền Lê Thái Tổ ngày nay còn lưu giữ được 5 sắc phong vua Gia Long ban tặng vào năm 1821 và 1846. Nội dung các sắc phong nêu rõ: Các vị thần Lê Thái Tổ, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Thần Núi, Thần Sông… đã có công giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng, nay gia tặng Thượng Đẳng Thần và cho phép xã Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên phụng thờ như xưa.

         Phía bên trái đền là miếu thờ thần Hoàng Làng rộng khoảng 5m2. Cùng kích thước như miếu thờ thần Hoàng Làng, phía bên phải đền là  miếu thờ bà Lê Thị Út. Tương truyền đây chính là người đã hoá con cáo trắng, có công cứu vua, sau đó bà được vua cho mang họ của mình là họ Lê. Nhân dân ở đây thường gọi là miếu Bà Chúa.

Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ

         Lễ hội Đền thờ vua Lê Thái Tổ được tổ chức gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ có: nghi lễ rước kiệu vua Lê Thái Tổ, rước bát hương linh vị về đình làng Trí Xuyên được tổ chức trang trọng, thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân dành cho các bậc tiền nhân.

         Phần hội có nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại như thi sắp cỗ tiến thành hoàng làng, giao lưu hát chèo, têm trầu cánh phượng, thi kéo co, bắt vịt, bắt chạch trong chum…

         Những năm gần đây, đền thờ vua Lê Thái Tổ đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của của du khách cũng như những tín đồ Phật Giáo, đồng thời là điểm đến thú vị cho những chuyến hành hương.

 

/**/