1
Tư Vấn Du Lịch Dành Cho Bạn

Đến thăm làng thêu ren Thanh Hà - Hà Nam

Bạn đánh giá: 5 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lực
 

Đến thăm làng thêu ren Thanh HàXã Thanh Hà nằm ở ven đường Quốc lộ 1A thuộc Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách thị xã Phủ Lý khoảng 10 km về phía nam.Từ cách đây hơn 100 năm, người dân Thanh Hà đã làm quen với đường kim, sợi chỉ và cuộc sống của họ chẳng biết tự bao giờ đã gắn liền với nghề thêu ren.

Nghề thêu ren ở Thanh Hà xuất hiện cách đây hơn một thế kỷ. Đến nay, toàn xã có 4 nghệ nhân và 55 thợ giỏi được Hội đồng thẩm định, xét chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi của UBND tỉnh Hà Nam công nhận. Các sản phẩm của làng nghề rất phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã.

Nghề đã giúp nhiều hộ dân tại địa phương xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới. Thương hiệu nghề thêu ren Thanh Hà không chỉ được biết đến tại thị trường trong nước mà đã vươn tới nhiều nước trên thế giới.

Thương hiệu nghề thêu ren Thanh Hà không chỉ được biết đến tại thị trường trong nước mà đã vươn tới nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thêu ren Thanh Hà có 34 thành viên. Không chỉ các thành viên trong Hiệp hội mà hiện nhiều hộ dân ở xã Thanh Hà cũng phát triển mạnh việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thêu ren Công cụ, thiết bị của làng nghề thêu ren rất giản đơn. Lao động chủ yếu là thủ công. Toàn bộ làng nghề hiện có hơn 5.000 khung thêu, 30 hộ có thiết bị giặt là và in, ngoài ra còn có các dụng cụ khác như: kim, kim móc, dao, kéo. Các công đoạn của nghề thêu ren là: chuẩn bị nguyên liệu, tạo mẫu, pha và in màu, thêu, giặt là, kiểm tra đóng gói và cuối cùng là tiêu thụ. Các công đoạn trên hiện nay đều thực hiện bằng lao động thủ công.

Để tạo mẫu đảm bảo chất lượng, chỉ có một số hộ có kỹ thuật, có vốn đảm nhiệm công đoạn này và làm dịch vụ cho cả làng nghề. Khâu kiểm tra, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm là thuộc về các doanh nghiệp (đảm nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm của làng nghề). Người lao động chỉ thực hiện một công đoạn: thêu.

Nghề thêu ren có đặc điểm: nguyên liệu tiêu hao ít, nhưng lao động kết tinh trong sản phẩm nhiều vì thế giá trị sản phẩm lớn. Tuy nhiên, giá cả của sản phẩm thêu lại phụ thuộc vào hai yếu tố: nguyên liệu và kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm đó có được khách hàng ưa chuộng hay không. Các sản phẩm thêu ren của xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm gồm: hàng thêu thùa để trang trí, trang hoàng; đường viền thêu, ren trang trí và dịch vụ mua bán sản phẩm thêu ren (ga trải giường, chăn, gối, rèm cửa, khăn trải bàn, khăn ăn, khăn tay, quần áo, tranh treo tường…). Những sản phẩm ren ở đây tinh tế, bắt mắt và mẫu mã khá đa dạng.

Xem thêm : Làng trống Đọi Tam, Hà Nam lừng danh cả nước

Đối với mỗi người thợ Thanh Hà, mỗi mũi thêu đều đem đến cho họ nguồn cảm hứng vô tận. Dưới đôi bàn tay khéo léo, những cánh hoa cứ dần hiện lên sống động dù để trang trí vào giữa tấm nệm hay góc khăn tay. Những cánh hoa cũng tạo ra các đường viền trang trí thanh nhã và lãng mạn dọc hàng ngang khăn trải dường, và những tấm màn cửa, chúng cũng có thể được thêu rải rác ngẫu nhiên gợi cho ta nhớ lại những mẫu quần áo thêu hoa giản đơn từ những năm đầu của thế kỷ XVIII… Tất cả đã tạo dựng nên một không gian thêu với đủ loại hoa muôn sắc khoe màu. Nhìn những người thợ Thanh Hà thêu có cảm giác như nghề thêu sao mà đơn giản thế, chỉ cần đưa mũi kim lên xuống thế là xong, nhưng quan sát kỹ hơn thì mới thấy là nghề thêu mới thật kỳ công bao gồm nhiều công đoạn trước khi thêu thành sản phẩm, từ việc vẽ những hoạ tiết cần thêu ra giấy, sau đó lại đem hoạ tiết đó trổ vào tấm mica mỏng, nếu muốn mẫu thêu đẹp trước hết mẫu trổ phải đẹp, để rồi sau đó người thợ mang mẫu đã được trổ trên tấm mica mỏng đặt trên tấm vải cần thêu rồi lấy mực quét lên để lại dấu trên vải sau đó mới bắt đầu thêu

Nghề thêu ren có đặc điểm: nguyên liệu tiêu hao ít, nhưng lao động kết tinh trong sản phẩm nhiều vì thế giá trị sản phẩm lớn.

Từ khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, làng nghề Thanh Hà ngày càng mở rộng về không ngừng phát triển. Những năm 80 là thời gian thịnh vượng của làng nghề: sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Những năm 1990, nghề thêu ren ở xã Thanh Hà (Thanh Liêm – Hà Nam) gặp nhiều khó khăn do đầu ra không ổn định, có lúc người ta ngỡ không thể giữ được nghề truyền thống. Thế nhưng, trong gian nan, thử thách, nhiều người đã nỗ lực mang sản phẩm thêu Thanh Hà chào hàng khắp nơi. Trời không phụ lòng người, sản phẩm thêu Thanh Hà đã “đi” khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí, sang cả trời Tây. Nghề thêu Thanh Hà hiện nay không chỉ được những nhà kinh doanh Đông Âu biết đến mà cả những nhà kinh doanh nước ngoài khác như Pháp, Ý, Nhật… về trực tiếp để đặt hàng.

Với xu thế phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp thêu ở Thanh Hà không những đảm bảo duy trì các thị trường truyền thống mà còn mong muốn tiếp tục đưa những sản phẩm thêu của mình đến những thị trường mới. Việc phát triển làng nghề thêu ren truyền thống ở Thanh Hà đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân địa phương. Về Thanh Hà hôm nay, chúng ta càng tin tưởng hơn ở lớp thợ mới đang đứng vững và tự khẳng định mình trong cơ chế thị trường. Họ đang thổi hồn mình vào các bức tranh, nâng những sản phẩm của một nghề thủ công lên thành những tác phẩm độc đáo.

Đừng quên ghé thăm làng nghề thêu ren Thanh Hà nhé.

/**/